Bệnh giãn tĩnh mạch là gì?

Giãn tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến. Theo thống kê của Tổ chức Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ, hiện nay có khoảng 10-20% đàn ông và 25-33% phụ nữ Mỹ bị suy giãn tĩnh mạch. Đây là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn ra, phồng lên, có thể nằm nông và nổi ngoằn ngoèo dưới da, màu tím hoặc xanh, thường xuất hiện ở chân, một số trường hợp thấy cả ở âm hộ hay trực tràng (bệnh trĩ).

Giãn tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến

Yếu tố nguy cơ của giãn tĩnh mạch:
+ Tiền sử gia đình có người mắc bệnh giãn tĩnh mạch.
+ Giới tính: gặp ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông.
+ Tuổi: tuổi càng cao thì nguy cơ bị giãn tĩnh mạch càng tăng.
+ Béo phì.
+ Mang thai: do thay đổi hormone, thai đôi hoặc đa thai.
+ Nghề nghiệp phải đứng nhiều, ít di chuyển (như giáo viên).

Giai đoạn đầu, bệnh thường ít có triệu chứng, đôi khi chỉ là cảm giác hơi khó chịu, tức nặng ở chân. Vùng da nơi giãn tĩnh mạch có thể ngứa hoặc nóng hơn. Các triệu chứng nặng dần về cuối ngày, đặc biệt khi bệnh nhân phải đứng lâu. Nhiều phụ nữ phát hiện bị giãn tĩnh mạch khi đang mang bầu. Do khoảng thời gian này, tử cung lớn dần lên, chèn ép vào các mạch máu lớn của ổ bụng (chủ yếu là phía bên phải) dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch ở chân.

Giai đoạn đầu, bệnh thường ít có triệu chứng, đôi khi chỉ là cảm giác hơi khó chịu, tức nặng ở chân

Tĩnh mạch có chức năng chính là vận chuyển máu từ ngoại vi về tim, ngoài ra, các tĩnh mạch ở vị trí thấp như chi dưới còn phải chống lại sức cản của trọng lực cơ thể. Bên cạnh đó, khi mang thai, thể tích máu trong cơ thể nhiều hơn làm tăng gánh nặng lên hệ tuần hoàn. Đồng thời, hàm lượng hormone Progesterone cũng tăng dần về cuối thai kỳ, gây giãn thành mạch. Tuy nhiên, sau khi sinh, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần, và hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp điều trị.
Tuy giãn tĩnh mạch có thể gây ngứa hay đau, thậm chí chảy máu (do da vùng này trở nên mỏng và dễ tổn thương) nhưng đây không phải là bệnh cấp tính, chưa gây hại ngay lập tức trong thời gian ngắn.Tỷ lệ bệnh nhân giãn tĩnh mạch có xuất hiện cục máu đông gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch nông) cũng không cao. Khi hình thành huyết khối, khu vực quanh chỗ giãn tĩnh mạch trở nên nóng, đỏ và đau hơn. Huyết khối tĩnh mạch nông thường không quá nguy hiểm. Nhưng khi tổ chức xung quanh huyết khối bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần phải được điều trị ngay bằng kháng sinh, đặc biệt người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt nếu một trong hai chân sưng to bất thường, có vết loét hoặc vùng da gần tĩnh mạch đổi màu. Trong khi đó, huyết khối tĩnh mạch sâu gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, thậm chí dẫn tới tử vong. Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu dựa trên lâm sàng kết hợp với siêu âm.

Tiên Tiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *