Tỷ lệ người bị bệnh tiểu đường ngày càng tăng cao và nếu không may mắc phải thì coi như phải “sống chung với lũ” cả đời. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì chúng ta có thể kiểm soát và chung sống hòa bình với nó.
Tiểu đường tuýp 1 là khi cơ thể không có khả năng sản xuất insulin và chỉ chiếm khoảng 5% bệnh nhân tiểu đường. Tiểu đường tuýp 2 là cơ thể không có khả năng đáp ứng với insulin đúng cách và tỷ lệ này chiếm hơn 90% số bệnh nhân mắc bệnh. Đặc biệt ở tiểu đường tuýp 2 là các triệu chứng có thể ủ trong nhiều năm trước khi chúng ta nhận ra nó.
Những dấu hiệu có thể nhận biết nguy cơ tiểu đường yêu cầu chúng ta nhanh chóng đi khám và làm các xét nghiệm quan trọng đã được các chuyên gia y tế chỉ rõ như khát nước, cơ thể mệt mỏi, giảm cân, vết thương lâu lành, giảm thị lực,…
Một trong những yếu tố nguy cơ khá rõ là khát nước. Bình thường nếu khát nước có nghĩa là cơ thể chúng ta đang thiếu nước. Nhưng nếu khát nước quá mức là điều không bình thường và có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có mức đường huyết trong máu cao sẽ lấy nước từ các tế bào pha loãng đường có trong máu làm các tế bào trong cơ thể thiếu nước kích thích não điều chỉnh cảm giác khát của cơ thể để bù nước. Vì nguyên nhân này mà bệnh nhân tiểu đường thường uống rất nhiều nước.
Dấu hiệu cũng dễ nhận thấy nhưng hay bị bỏ qua vì triệu chứng dễ bị lẫn sang những bệnh khác là cơ thể cảm thấy mệt mỏi, gắt gỏng, mất ngủ.
Bệnh nhân tiểu đường không có khả năng sử dụng glucose có trong thức ăn phục vụ cho các hoạt động hàng ngày mà lấy trực tiếp năng lượng từ mô mỡ của cơ thể để tạo ra năng lượng. Vì vậy cơ thể phải dùng năng lượng nhiều hơn nên dẫn đến mệt mỏi hơn.
Lượng glucose có trong máu cao gây khó khăn cho việc vận chuyển oxi và dinh dưỡng tới nuôi các tế bào thần kinh, làm cho các tế bào thần kinh bị suy yếu. Dấu hiệu bị bệnh tiểu đường này thường thấy là bệnh nhân gắt gỏng, mất ngủ, lẫn lộn… tay chân tê bì, cảm giác đau đớn kém.
Cảm giác đói dữ dội là do mức độ insulin và glucose trong cơ thể giảm mạnh. Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường có trong máu cao và cơ chế của cơ thể là tiết ra nhiều insulin để chuyển hóa đường vào trong cơ thể. Nhưng do cơ thể không thể sử dụng chức năng này và insulin trong cơ thể lại có khả năng kích thích cảm giác đói, insulin càng nhiều thì cơ thể càng cảm thấy đói.
Trong khi chúng ta cảm thấy đói và ăn nhiều nhưng lại bị giảm cân nhanh chóng thì không còn nghi ngờ gì nếu nghĩ đây là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Việc giảm cân ở đây được lý giải, do bệnh nhân tiểu đường phải sử dụng năng lượng chuyển hóa từ các mô mỡ, ngoài ra lượng đường có trong thức ăn cơ thể không thể sử dụng và được đào thải qua đường nước tiểu.
Khi những vết cắt, chỗ bầm tím quá lâu không lành khi hãy nghĩ ngay đến việc đi bác sĩ kiểm tra đường máu. Vết thương chậm lành được coi là dấu hiệu điển hình của bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường có trong máu quá cao gây khó khăn cho các hoạt động của các tế bào bạch cầu có trong máu làm cho các vết thương hở trở nên lâu lành và thường bị nhiễm trùng hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nấm, nhiễm trùng da… do hệ thống miễn dịch bị ức chế và lượng đường trong máu cao làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể.
Các dấu hiệu da xấu đi, cảm giác ngứa ran, tê, sưng hay đơn giản là thường xuyên đi tiểu đêm, khả năng thị giác kém đi cũng là những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để chúng ta nghĩ đến bệnh tiểu đường và cần đi làm xét nghiệm, sàng lọc định kỳ. Phát hiện sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp chúng ta có hướng điều trị kịp thời giúp phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng.