Những nguy cơ mắc bệnh phải khi cơ thể quá gầy

Suy dinh dưỡng là kết quả của việc cơ thể thiếu dưỡng chất cần thiết trong thời gian dài, dẫn đến gầy yếu, suy giảm đề kháng, dễ mắc bệnh. Suy dinh dưỡng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả người trưởng thành trong độ tuổi lao động – giai đoạn sức khỏe cường tráng nhất. Chúng ảnh hưởng đến chất lượng lao động, năng suất làm việc cũng như tăng gánh nặng bệnh tật sau này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) để xác định nguy cơ suy dinh dưỡng ở người trưởng thành. Công thức tính BMI bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). BMI bình thường nằm trong ngưỡng 18,5-24,99. Thừa cân khi chỉ số trên 25, béo phì nếu vượt 30. Ngày càng nhiều người gầy và suy dinh dưỡng với BMI đo được dưới 18,5, đặc biệt không ít trường hợp siêu gầy (suy dinh dưỡng độ 3).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) để xác định nguy cơ suy dinh dưỡng ở người trưởng thành

WHO chia mức độ suy dinh dưỡng thành 3 nhóm. Gầy độ 1 có BMI nằm trong khoảng 17-18,49. Độ 2 nếu ở mức 16-16,99. Nguy hiểm nhất là người gầy độ 3 với BMI dưới 16. Thiếu protein, chất béo, vitamin và khoáng chất khiến họ dễ ốm, đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như loãng xương, thiếu máu, vô sinh, rụng tóc, suy nhược, giảm trí nhớ…
Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở người trưởng thành chủ yếu do ăn uống kém, mất cảm giác thèm ăn nên qua loa cho xong bữa. Dân văn phòng bận rộn thường có khẩu phần không cân đối, thực đơn thiếu đa dạng. Nhiều chị em lại quan niệm, càng gầy càng đẹp, nên kiêng khem giữ dáng, gây hại cho sức khỏe. Người gầy nên chủ động theo dõi cân nặng và tính BMI để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Cần lưu tâm khám sức khỏe định kỳ, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và phát hiện các bất thường trên cơ thể nhằm can thiệp kịp thời. Các nguyên tắc tăng cân lành mạnh nhất gồm ăn uống khoa học, hợp lý, điều độ, đa dạng, tăng bữa, đủ 4 nhóm chất (tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất).

Người gầy nên chủ động theo dõi cân nặng và tính BMI để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý

Nếu bạn ăn kém, chậm tăng cân, có thể dùng thêm thực phẩm dinh dưỡng có năng lượng cao, giàu khoáng, bổ sung vi chất giúp hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu, cải thiện hệ miễn dịch và tăng cảm giác thèm ăn. Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng hiện tại; phát hiện bệnh lý đường tiêu hóa, tiểu đường, tim mạch… để điều trị kịp thời. Ngoài ra, nên cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ngủ sớm và đủ giấc (ít nhất 7-8 tiếng), tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Những thói quen này giúp tăng cường sức khỏe, ăn ngon miệng hơn, phòng tránh bệnh tật.

Tiên Tiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *