Thận là cơ quan nội tạng cực kỳ quan trọng đối sự sống của con người. Thận khỏe mạnh sẽ giúp quá trình lọc máu diễn ra tự nhiên, đào thải độc tố, các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Vì bất kỳ một lý do nào đó khiến thận suy yếu, không thể thực hiện được chức năng sẽ dẫn tới ứ trệ các chất độc làm tổn thương thận và tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Vậy “Làm gì tốt cho thận?” là câu hỏi rất thiết thực được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích này.
Tầm quan trọng khi thận khỏe
Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu, nằm ở khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống. Chúng nằm ngang đốt ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút. Ngoài chức năng lọc máu và đào thải độc tố theo đường niệu đạo dẫn đến bàng quang và thải ra ngoài, thì thận còn giúp tái hấp thu nước, các acid amin và glucose. Ngoài ra, thận có chức năng nội tiết, là nơi sản xuất các hormone như: calcitriol, renin, và erythropoietin.
Một khi chức năng của thận bị suy giảm, không đảm nhiệm được các chức năng này sẽ gây ra các vấn đề rối loạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cần phải lọc máu nhân tạo hoặc buộc phải ghép thận. Một số bệnh lý thường gặp là sỏi thận, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang… Nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu. Nặng nhất sẽ dẫn đến suy thận cấp và mạn tính. Sau đây là một số bệnh lý phổ biến khi thận bị suy yếu:
Bệnh thận mạn tính
Đây là một dạng bệnh thận phổ biến nhất. Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy thận là đái tháo đường. Gần 50% người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối có nguyên nhân xuất phát là đái tháo đường. Tại Mỹ và một số nước châu Á tỉ lệ này lên tới 60%. Vì vậy, khuyến cáo tầm soát bệnh thận mạn ngay khi phát hiện đái tháo đường týp 2 hay sau 5 năm đối với đái tháo đường týp 1.
Một nguyên nhân khác của bệnh suy thận mạn tính là huyết áp cao. Thận là bộ phận liên tục xử lý máu của cơ thể, chúng tiếp xúc với khoảng 20% tổng lượng máu của cơ thể mỗi phút. Khi huyết áp tăng cao sẽ tăng áp lực lên cầu thận, cũng như ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Thận suy yếu không thể thực hiện được chức năng, buộc người bệnh buộc phải chạy thận nhân tạo để lọc máy. Tuy nhiên, lọc máu nhân tạo chỉ là giải pháp tạm thời, và về lâu dài để duy trì sự sống phải ghép thận. Song, phương pháp này tốn kém, nguồn thận ghép và khả năng tương thích không dễ kiếm.
Sỏi thận
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, chúng được hình thành khi lượng nước tiểu và nồng độ khoáng chất ở thận tăng cao trong thời gian dài sẽ tạo thành các hạt rắn hoặc sỏi. Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể tống ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, trường hợp sỏi có kích thước lớn có thể gây đau đớn, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu, gây hậu quả khôn lường.
Viêm cầu thận
Là tình trạng các cầu thận bị viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Viêm cầu thận có nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm trùng, do thuốc, hoặc do sự bất thường bẩm sinh và bệnh tự miễn. Bệnh có biểu hiện phù, thiếu máu, tăng huyết áp, thành phần nước tiểu thay đổi. Bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, thậm chí gây tử vong.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang là một loại hình tổn thương của thận khá đặc trưng, do rối loạn di truyền gây ra nhiều u nang chứa đầy dịch trong nhu mô thận, làm ảnh hưởng đến chức năng của thận. Bệnh thận đa nang có thể nang gan, những bất thường ở tim mạch và thường dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Bệnh thận đa nang có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Bệnh nếu được phát hiện sớm, được điều trị và điều chỉnh lối sống tích cực sẽ làm giảm các tổn thương cho thận, phòng ngừa bệnh biến chứng như tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, thận đa nang còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như nguy cơ tiền sản giật đối với phụ nữ mang thai, u nang gan, phình động mạch não có thể gây chảy máu não, hở van hai lá…
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Là nhiễm khuẩn do vi khuẩn ở bất cứ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu. Trong đó, nhiễm khuẩn ở bàng quang và niệu đạo là phổ biến nhất. Bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu có 2 mức độ, mức độ không phức tạp và mức độ phức tạp. Nhiễm khuẩn tiết niệu không phức tạp được coi là bệnh viêm bàng quang hay viêm thận bể gặp ở phụ nữ tiền mạn kinh, phụ nữ mang thai với những triệu chứng nhẹ dễ chữa trị. Bệnh xem là phức tạp cần giải phẫu hoặc phải can thiệp y tế vào đường niệu đạo, có biến chứng ở nam giới, trẻ em, người lớn tuổi.
8 thói quen tốt giúp thận luôn khỏe mạnh
Làm gì tốt cho thận? Để thận luôn “chạy” tốt, có thể sinh hoạt và làm việc bình thường cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh từ sớm, cũng như cách chăm sóc sức khỏe đúng đắn và tầm soát bệnh thường xuyên. Sau đây là một số thói quen tốt cho thận mà ai cũng nên biết:
1. Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể, và đặc biệt với những người bị thận yếu thì cần đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyến cáo, người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước, vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận. Song, cũng không được uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc, do thận sẽ không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày.
Vậy uống bao nhiêu nước là đủ? Mỗi ngày cơ thể cần 2-2,5 lít nước, tùy theo sức khỏe tổng thể, giới tính, trọng lượng cơ thể và hoạt động của người đó. Với những người chơi thể thao, mồ hôi tiết ra nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn. Để nạp đủ nước cho cơ thể, cần lưu ý những điều sau: không nên uống một lượng nước lớn một lúc mà nên uống từng ngụm nhỏ, để giúp các tế bào thẩm thấu lượng nước đưa vào; nên uống nước ấm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp mà còn tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa và việc tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên dễ dàng, trơn tru hơn; không đợi đến khi khát mới uống, bởi vì ngay cả khi không khát cơ thể vẫn có khả năng mất đi một lượng nước cần thiết cần phải bổ sung ngay.
Ngoài nước lọc ra, có thể tăng cường thêm một số loại nước trái cây tươi như nước dưa hấu, táo, dâu tây… rất giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho thận và đặc biệt tránh xa các loại nước ngọt có ga, vì lượng đường và phốt pho ở trong các loại nước này sẽ thúc đẩy bài tiết canxi ra ngoài, gia tăng áp lực cho thận, dễ sinh sỏi thận. Lưu ý, với những người đã từng bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn một chút để giúp ngăn ngừa hình thành sỏi trong tương lai.
2. Thường xuyên vận động vừa sức
Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides), tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận. Vì vậy, thói quen tốt cho thận này cần được duy trì thường xuyên.
Tuy nhiên, đối với những người thận yếu cần chú ý: loại bài tập, thời gian tập luyện, cường độ và thời gian tập luyện. Với đối tượng này nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, earobic… Với những người mới tập luyện nên tập từ từ, rồi tăng dần thời gian lên, nên duy trì 30-45 phút/ngày, tập ít nhất 3 ngày/tuần. Tùy vào sức khỏe mỗi người mà có cường độ tập khác nhau, tập vừa với sức của mình. Khi thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, đau bụng… thì cần dừng lại ngay.
3. Duy trì cân nặng phù hợp
Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm hỏng thận. Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI được tính cho người trưởng thành bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9. Nếu vượt qua chỉ số này vượt quá 25, cơ thể đang bị thừa cân béo phì. Để làm được điều này, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.
4. Kiểm soát đường huyết
Với những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.
5. Theo dõi huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố ảnh hưởng sẽ kéo theo các hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch hoặc cholesterol tăng tăng cao, gây tổn thương đến thận. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm dày các thành mạch và gây hẹp lòng mạch máu. Quá trình lọc máu trở nên khó khăn hơn, các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận. Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg.
Nếu chỉ số huyết áp trên 140/90 là tình trạng huyết áp tăng. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ và cần theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể dùng thuốc. Khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên cầu thận khiến thận làm việc vất vả hơn, có nguy cơ dẫn đến suy thận.
6. Hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá
Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nên uống rượu bia ở mức cho phép, một người chỉ nên sử dụng 10g cồn nguyên chất (tương đương ¾ chai bia 330ml, hoặc 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), một cốc rượu mạnh 30ml (40%). Bên cạnh đó, hút thuốc lá là nguyên nhân gây xơ vữa các mạch máu, máu lưu thông đến thận chậm hơn. Đặc biệt, hút thuốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Người hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng tới người xung quanh (gọi là “hút thuốc lá thụ động”). Vì vậy, muốn thận được duy trì chức năng, cần từ bỏ thói quen không tốt này để bảo vệ thận.
7. Chú ý trong việc sử dụng thuốc không kê đơn
Nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc chống viêm không steroid bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng chúng thường xuyên vì đau mạn tính, đau đầu hoặc viêm khớp.
Vì vậy, cần chú ý và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này. Tốt nhất, khi sử dụng những loại thuốc này hàng ngày, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn cho thận nếu bạn đang phải đương đầu với cơn đau.
Ngoài thuốc giảm đau, các loại thuốc khác cũng cần theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Cùng mắc một loại bệnh giống nhau, thuốc dùng tốt ở người bệnh này nhưng có thể không dùng được ở người bệnh khác. Đặc biệt nhiều loại “thực phẩm chức năng” đôi khi được quảng cáo như thuốc nên gây hiểu lầm và người bệnh không biết nên đã sử dụng như thuốc chữa bệnh.
8. Kiểm tra chức năng thận
Nếu bạn ở đối tượng có nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận thì cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những đối tượng sau cần lưu ý kiểm tra thường xuyên:
- Người trên 60 tuổi
- Người sinh ra nhẹ cân
- Người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
- Người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận mạn phải lọc máu hay ghép thận.
- Người béo phì.
- Người có dấu hiệu bất thường ở thận
Việc kiểm tra chức năng thận thường xuyên là một cách để tầm soát sức khỏe của thận, cũng biết được những thay đổi có thể xảy ra. Việc phát hiện sớm có thể giúp điều chỉnh lối sống cũng như những can thiệp y tế giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai.
Những thực phẩm tốt cho thận
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của thận, đây được xem là thói quen tốt cho thận cần phải duy trì hàng ngày. Ngoài đảm bảo các nhóm dưỡng chất thiết yếu cân đối cho cơ thể như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời hạn chế các thức ăn, chất gây hại cho thận (thức ăn chứa nhiều natri, kali, canxi, phốt pho, rượu bia… thì cần bổ sung các dưỡng chất bổ thận như rau xanh và trái cây tươi, là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp thận loại bỏ acid dư thừa ra khỏi cơ thể và bài tiết trong nước tiểu.
Một số thực phẩm giữ cho thận khỏe mạnh bạn nên ăn bao gồm:
- Súp lơ xanh: Đây là loại rau chứa nhiều chất xơ và nhiều dưỡng chất như: vitamin C, B, K cùng hợp chất chống viêm indoles rất tốt cho người bị suy thận.
- Giấm táo: Chứa thành phần hóa học tự nhiên giúp làm tan sỏi hoặc những cặn lắng có trong thận, mà lại không gây hại hay làm kích ứng lớp màng của thận.
- Lòng trắng trứng: Trong khi lòng đỏ trứng chứa nhiều dưỡng chất bổ dưỡng nhưng lại chứa hàm lượng phốt pho cao không tốt cho thận, trong khi đó, lòng trắng trứng cung cấp nhiều protein chất lượng cao và các amino acid thân thiết với thận. Vì vậy, đây là lựa chọn tốt cho người bị bệnh thận.
- Bắp cải: Là thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin K, C, vitamin B6 và acid folic dồi dào, nhưng hàm lượng kali, natri và phốt pho thấp nên rất phù hợp và tốt cho thận. Ngoài ra, bắp cải còn được coi là thực phẩm lý tưởng giúp thanh lọc máu và thải độc cho thận.
- Ớt chuông: Hay còn gọi là ớt ngọt, là loại thực phẩm chứa rất nhiều lycopene, vitamin C, A, B6, acid folic và chất xơ. Tuy nhiên, hàm lượng kali không cao, ớt chuông là thực phẩm tốt cho thận, vừa cung cấp những dưỡng chất tốt vừa có tác dụng thanh lọc máu, đào thải acid uric dư thừa từ thận.
- Quả nam việt quất: Đây là loại quả có chứa chất dinh dưỡng thiết yếu và các chất chống oxy hóa gọi là proanthocyanidin rốt tốt cho đường tiết niệu và thận, giúp ngăn ngừa vi khuẩn bám vào niêm mạc đường tiết niệu và bàng quang, ngăn ngừa được quá trình nhiễm khuẩn. Ngoài ra, quả nam việt quất còn chứa quinine – một chất có thể chuyển đổi thành acid hippuric giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
- Củ cải: Thực phẩm này chứa nhiều vitamin C, cùng hợp chất diuretic tự nhiên của củ cải có tác dụng cải thiện sức khỏe của quả thận. Chúng đóng vai trò như một chất tẩy rửa tự nhiên giúp loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể, chống viêm, bảo vệ thận.
Giảm lượng natri (muối) và protein (đạm) trong khẩu phần ăn hàng ngày: Chế độ ăn quá nhiều muối và đạm sẽ khiến thận hoạt động vật vả, không được đào thải ra có thể làm thận tổn thương nhiều hơn. Để bảo vệ thận, nên giảm thực phẩm có nhiều đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ… Tùy vào cân nặng và hoạt động của từng người mà bổ sung đạm cho phù hợp. Trung bình một người trưởng thành nên bổ sung từ 1,1-1,3g/kg mỗi ngày. Trong đó đạm động vật chỉ nên chiếm 50% tổng nhu cầu đạm. Mức đạm chiếm 13-20% tổng như cầu năng lượng hàng ngày.
Ngoài hạn chế lượng protein, người bị bệnh thận nên ăn nhạt. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng muối mà người trưởng thành sử dụng là 5g/ngày. Với những người bị bệnh thận thì nên dùng ít hơn lượng này, chỉ nên dùng 2-4g/ngày. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều muối như: các món kho, dưa muối, các loại mắm.
Thành phần gồm 32 hoạt chất, ít Natri, Kali, Photpho, giúp giảm gánh nặng lên thận, tim, giảm các biến chứng phù nề, huyết áp, rối loạn điện giải ở bệnh thận. Đa dạng Vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng, giảm mệt mỏi. Chất xơ hòa tan (FOS) giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Sử dụng bột đường hấp thụ chậm giúp ổn định đường huyết, phù hợp với người bệnh thận và tiểu đường.
Theo https://tamanhhospital.vn/lam-gi-tot-cho-than/