Thời tiết mùa đông cũng có những điểm khắc nghiệt không kém mùa hè, trời hanh khô kèm theo các cơn mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các dịch bệnh. Chúng ta cần biết về những căn bệnh thường bị mắc trong mùa đông và có những biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Cảm cúm
Cảm cúm là căn bệnh thường gặp mùa đông hay trong những thời điểm giao mùa. Bệnh này khiến chúng ta vô cùng khó chịu, là căn bệnh về đường hô hấp dễ lây lan bởi các virus, vi khuẩn… Triệu chứng của bệnh cảm cúm: sổ mũi, đau họng, ho, đau đầu, hắt hơi, đau nhức cơ và chán ăn… Cảm cúm thường gặp hơn ở những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ. Để có thể phòng tránh được căn bệnh cảm cúm, trước tiên chúng ta cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong khẩu phần ăn như các loại rau xanh, các thực phẩm giàu protein và giữ ấm cơ thể để phòng bệnh.
Viêm họng
Mùa đông chúng ta thường bị đau họng, phần lớn là do nhiễm virus. Nếu như chúng ta thay đổi môi trường, từ một căn phòng ấm áp đột ngột ra môi trường lạnh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm họng. Để hạn chế bị đau họng, chúng ta nên tránh những đồ ăn lạnh, giữ ấm cổ và cơ thể, bổ sung dinh dưỡng và vitamin. Hơn nữa, chúng ta cần thường xuyên súc miệng nước muối bởi nó sẽ giúp chống viêm và làm dịu cổ họng đáng kể.
Bệnh hen xuyễn
Theo nghiên cứu, không khí lạnh sẽ gây ra triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Đặc biệt, với những người bị hen nên cẩn trọng hơn trong mùa đông. Chúng ta nên mặc ấm, ở trong nhà những ngày gió rét. Nếu có việc cần thiết mới ra ngoài và hãy quàng khăn, đội mũ len và dùng khẩu trang che kín mũi miệng. Bạn có thể mang theo các loại thuốc xịt hoặc dạng hít bên mình đề phòng có triệu chứng xảy ra.
Đau tim
Lý do tại sao lại nói như vậy, vì mùa đông có nhiệt độ giảm mạnh khiến động mạch bị thu hẹp, máu không thể lưu thông ổn định. Việc này dẫn đến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cơ thể, do đó có thể xảy ra triệu chứng đau tim. Do vậy, chúng ta cần hết sức giữ ấm cơ thể, mặc đủ ấm khi ra ngoài trong thời tiết lạnh. Với những người trên 30 tuổi cần tránh những hoạt động quá sức vào sáng sớm. Thay vì ăn quá nhiều thực phẩm cùng một lúc, chúng ta nên chia ra các khẩu phần ăn nhỏ.
Đau nhức xương khớp
Về mùa đông, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm các cơ bị co rút, hạn chế trong việc vận động. Đặc biệt, các bệnh nhân bị Gút sẽ có triệu chứng đau nhiều hơn do lượng axit uric trong máu bị kết tủa, lắng đọng và chèn ép vào các khớp.
Đối với những người cao tuổi, do các chức năng hoạt động của cơ thể đã bị suy yếu, khí huyết kém lưu thông nên dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp xương và gây nên hiện tượng đau nhức. Để có thể hạn chế và phòng tránh tình trạng đau nhức xương mùa đông, bạn nên giữ ấm cho cơ thể bằng cách đi tất, mang bao tay, quàng khăn cổ. Hãy tập thể dục và vận động các khớp vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng như buổi sáng khi mới ngủ dậy.
Đau dạ dày
Bạn có biết, thời tiết lạnh sẽ khiến bao tử bị đau và những ai đã viêm loét sẽ đau nhiều hơn. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng những biện pháp để tăng sức đề kháng cho bản thân. Bạn hãy tắm nước nóng hàng ngày, đi bộ dạo và giữ cho tinh thần thoải mái.
Lạnh tay vào mùa đông
Đây là tình trạng phổ biến ở tay chân khi mùa đông đến, ngón tay và ngón chân của bạn trở nên đau đớn, thay đổi màu sắc trong thời tiết lạnh. Các ngón tay có thể sẽ bị đỏ, sưng tấy… mạch máu nhỏ ở bàn chân và bàn tay thì co thắt lại. Hãy đeo găng tay, tất chân khi đi ra ngoài trong thời tiết lạnh. Hoặc có thể sử dụng ủng sưởi ấm chân để giữ cho chân được ấm áp. Hãy hạn chế sử dụng cà phê hoặc thuốc lá.
Tiên Tiên